Việc tài xế taxi bắt chuyện suốt chuyến đi có thể khiến nhiều khách hàng cảm thấy khó chịu lẫn khó xử. Tính năng yêu cầu người lái im lặng từ điểm đầu tới điểm cuối ra đời từ đó.
“Tôi ghét bị tài xế hỏi chuyện. Tôi không muốn nói về những điều cá nhân với người tôi chỉ gặp trong thoáng chốc", "Tôi nhã ý đáp lại dù không thực sự muốn nhưng tài xế vẫn nói tiếp không ngừng", "Tôi muốn tranh thủ thời gian ngồi trên xe nghỉ ngơi, kiểm tra tin nhắn mà không phải nói chuyện trực tiếp với ai".
Trên các diễn đàn mạng và mạng xã hội như Twitter, Reddit, các bài đăng người dùng chia sẻ lại trải nghiệm bị tài xế bắt chuyện quá nhiều không hiếm.
Những câu chuyện phiếm giữa tài xế taxi và hành khách là điều thường thấy trên các chuyến xe taxi, từ việc hỏi ngày hôm nay của bạn như thế nào cho đến khách du lịch định đi những đâu, tham quan những nơi nào.
Song, không phải ai cũng thoải mái nói chuyện với người lạ trên cả quãng đường.
Từ đó, nhiều đơn vị taxi cho ra mắt tính năng yêu cầu tài xế im lặng, được coi là cách lịch sự để ra dấu hiệu từ chối khi khách hàng không có tâm trạng trò chuyện.
Khách hàng phàn nàn
Tháng 4/2017, Miyako Taxi, một hãng taxi ở Nhật Bản, lần đầu giới thiệu dịch vụ “chuyến xe im lặng” đến các khách hàng ở thành phố Kyoto. Tại thời điểm đó, có 10/354 xe của hãng thử nghiệm tính năng này.
Những chiếc xe này được dán thêm một bảng thông báo ở vị trí dễ thấy, cho khách hàng biết họ có thể yêu cầu tài xế không nói gì suốt chuyến đi.
Các tài xế sẽ chỉ có nhiệm vụ chào hỏi, xác nhận lộ trình và lái xe, ngoại trừ những trường hợp khẩn cấp.
Theo tuyên bố của Miyako Taxi, công ty quan sát thấy nhiều khách hàng không thích nói chuyện, tán gẫu với người lái khi lên xe. Việc áp dụng thêm dịch vụ này nhằm mang lại một chuyến đi thoải mái hơn cho hành khách.
Ví dụ, trong khi nhiều người dùng taxi thích hỏi và nghe ý kiến về những điểm tham quan, ăn uống ở quanh Kyoto từ cánh lái xe, số khác lại đã nắm rõ về chủ đề này, nhất là cư dân trong thành phố.
Thay vì ép buộc hành khách phải kết thúc cuộc trò chuyện về những chủ đề mà họ không muốn thảo luận, công ty cảm thấy rằng có thể tốt hơn nếu để những hành khách muốn tận hưởng chuyến đi trong im lặng.
Thông thường, hãng taxi này không có chính sách nào quy định chuyện tài xế có nên cố gắng bắt chuyện với khách hàng của họ hay không. Các tài xế cũng không bị cấm nói chuyện với những người ngồi ở băng ghế sau.
Đến tháng 5/2019, hãng xe công nghệ Uber cũng áp dụng tính năng tương tự trên các chuyến xe của hãng tại nhiều nước như Mỹ, Anh, Australia.
"Nếu bạn cần trả lời email hoặc muốn chợp mắt, hãy biến chuyến đi của bạn trở nên yên tĩnh hơn chỉ với một lần nhấn. Nếu bạn muốn trò chuyện, đó cũng là một lựa chọn", theo thông báo trên trang web của Uber.
Người dùng chỉ cần nhấn vào “ưu tiên yên tĩnh” hoặc “vui vẻ khi trò chuyện” trong phần tùy chọn khi đặt xe. Tuy nhiên, tính năng mới khi đó chỉ được áp dụng cho các chuyến xe cao cấp của Uber, không áp dụng cho toàn bộ số taxi hoạt động.
Theo People, thông báo của Uber được đưa ra sau rất nhiều lần người dùng đề nghị hãng cho họ lựa chọn không giao tiếp với tài xế.
Thông báo được đưa ra sau nhiều tháng, nếu không phải là nhiều năm, người dùng ứng dụng cầu xin Uber cho họ lựa chọn từ chối nói chuyện với tài xế.
Ở Mỹ, Lyft - một hãng gọi taxi khác - cũng ứng dụng “chuyến đi yên tĩnh” sau nhiều lời phàn nàn của người sử dụng rằng họ muốn tài xế ngừng nói chuyện. Chế độ im lặng này còn thay thông báo rằng khách hàng không muốn xe bật nhạc trong lúc di chuyển.
Tranh cãi
Theo Washington Post, việc các hãng taxi ra mắt tính năng im lặng suốt chuyến đi được đông khách hàng hưởng ứng và ủng hộ.
Có nhiều lý do khiến người dùng không thích trò chuyện với tài xế. Với những người hướng nội hoặc ít nói, việc người khác liên tục bắt chuyện và hỏi về cuộc sống, nghề nghiệp khiến họ thấy không thoải mái.
Số khác không thích chia sẻ các vấn đề cá nhân, riêng tư với người lạ. Ngoài ra, nhiều người sẵn sàng giao lưu, trao đổi qua lại với tài xế trong lúc di chuyển. Tuy nhiên, việc này còn tùy thuộc vào tâm trạng, sức khỏe, nhất là không phải ai cũng có hứng tán chuyện khi đang vội hoặc vừa trải qua một ngày làm việc mệt mỏi.
“Tôi không phải lúc nào cũng có tâm trạng giả vờ lắng nghe và cười thân thiện với những cuộc nói chuyện xã giao với người lạ”, một người viết trên Twitter.
Mặt khác, cách làm này cũng được cho là có lợi cho cả hai bên, khi người lái tập trung vào việc lái xe, không phân tâm vào những câu chuyện phiếm bên ngoài, giúp tăng yếu tố an toàn.
“Là một tài xế taxi công nghệ, tôi có thể nói rằng chúng tôi không bị xúc phạm khi bạn nói rằng bạn không muốn giao tiếp. Có những ngày tôi chỉ muốn lái xe trong yên tĩnh nhưng hành khách liên tục kể cho tôi nghe về cuộc sống của họ. Khi tôi bày tỏ rằng mình muốn tập trung lái xe, họ cũng hiểu điều đó”, một tài xế chia sẻ trên Twitter.
Ngoài ra, những người đi xe khiếm thính hay phụ nữ muốn tránh khỏi những câu hỏi mang tính riêng tư, quấy rối của tài xế cũng có thể tránh khỏi các tình huống rắc rối.
Tuy nhiên, một số ý kiến phản đối việc tính năng “chuyến xe im lặng” ra mắt.
Tại Anh, những người phản đối cho rằng ứng dụng chia sẻ xe đang đối xử với nhân viên của mình như robot với tùy chọn này.
Tim Wingard, một nghiên cứu sinh tại Đại học York, bày tỏ: “Các tài xế taxi công nghệ làm việc theo ca cực kỳ dài và phải đối mặt với nhiều kiểu khách hàng khác nhau. Việc bắt người lao động phải im lặng trong lúc làm việc là có vấn đề về đạo đức".
“Mọi người cần kết nối với nhau. Việc nói chuyện vài câu không có gì là quá đáng hay đi quá giới hạn. Hãy tưởng tượng chúng ta có thể học được gì nếu nói chuyện với những người từ ngoài vòng kết nối xã hội thông thường”, nhà văn Robin Dicker nói với The National News.
Với cây viết Saeed Saeed, các tài xế taxi có thể được coi là “nguồn thông tin dày dặn và hữu ích về thành phố mà chúng ta đang sống hoặc đến thăm”.
“Thay vì yêu cầu họ im lặng, bạn có thể đeo tai nghe vào. Họ sẽ hiểu được bạn không muốn nói chuyện”.
Nguồn: lifestyle.zingnews.vn