Có một sự thật là khi đến Nhật, bạn sẽ rất dễ bắt gặp những tài xế taxi lớn tuổi với mái tóc đã bạc trắng. Dù người Nhật, đặc biệt là các thế hệ cũ, nổi tiếng với việc cống hiến hết mình cho công việc và “không muốn nghỉ hưu”, liệu đây có thực sự là nguyên nhân chính của hiện tượng trên?
Những năm gần đây, số vụ tai nạn giao thông liên quan đến tài xế lớn tuổi gia tăng đã trở thành một vấn đề đáng lưu tâm trong xã hội Nhật Bản. Vào năm 2018, tỷ lệ các vụ tai nạn gây chết người do tài xế từ 75 tuổi gây ra chạm mức 14,8%, tăng từ 8,7% vào năm 2008. Theo một báo cáo của Chính phủ Nhật Bản, con số này cao gấp đôi so với tỷ lệ tai nạn gây ra bởi những tài xế trẻ tuổi.
Chính quyền cấp trung ương và địa phương tại Nhật Bản đã và đang khuyến khích người cao tuổi ở nước này từ bỏ việc lái xe. Nhiều nơi phát phiếu giảm giá khi sử dụng dịch vụ taxi và kêu gọi người dân chuyển sang sử dụng phương tiện giao thông công cộng. Tuy vậy, một thực trạng có phần kỳ lạ là nhân sự trong chính ngành taxi lại đang già hóa nghiêm trọng với số lượng tài xế cao tuổi ngày một tăng.
Độ tuổi trung bình của tài xế taxi Nhật Bản
Theo khảo sát về cơ cấu tiền lương của Bộ Y tế, Lao động và Phúc lợi Nhật Bản, độ tuổi trung bình của nam tài xế taxi là 60,1 vào năm 2018, vượt xa độ tuổi trung bình chung của mọi nghề nghiệp là 43,6. Trong khi nhiều công ty tại nước này quy định tuổi nghỉ hưu là 65, có thể thấy tuổi trung bình của các tài xế taxi là cực kỳ cao.
Ngoài ra, thời gian phục vụ trung bình của tài xế taxi theo thống kê là 10,6 năm. Nếu lấy độ tuổi trung bình là 60,1 trừ cho con số trên, kết quả cho thấy người Nhật có thể bắt đầu trở thành tài xế ngay cả khi đã ở độ tuổi ngũ tuần.
Theo “Hướng dẫn dành cho tài xế taxi cao tuổi” của Hiệp hội Taxi Nhật Bản công bố vào tháng 9/2020, nước này có tổng cộng 56.712 tài xế từ 65 tuổi trở lên, chiếm 42,7% tổng số. Ngoài ra còn có 480 tài xế trên 80 tuổi.
Trong khi đó ở các ngành nghề khác, có nhiều lao động được kéo dài tuổi nghỉ hưu cho đến 65 hoặc được tái tuyển dụng cho đến 65, nhưng hiếm thấy trường hợp vượt quá cột mốc này vẫn tiếp tục làm việc.
Các nguyên nhân chính
- Kéo dài tuổi nghỉ hưu
Dân số già vẫn luôn là một bài toán khó của xã hội Nhật Bản. Tỷ lệ sinh giảm, già hóa dân số đã và đang ảnh hưởng nghiêm trọng đến nguồn cung nhân lực cho các ngành nghề.
Hiện nay, hơn 50% doanh nghiệp tại đất nước Mặt trời mọc đang đối mặt với thiếu hụt lao động trầm trọng và ước tính đến năm 2040, nước này sẽ thiếu hơn 11 triệu lao động, theo nghiên cứu mới nhất từ Recruit Works Institute.
Để đối phó với tình trạng trên, vào năm 2018, Nội các Nhật Bản thông qua “Hướng dẫn các biện pháp đối phó với xã hội già hóa” nhằm hướng đến một “xã hội không tuổi”, tận dụng được động lực và khả năng của tất cả mọi người.
Trong đó, các hướng dẫn thuộc lĩnh vực Việc làm và Thu nhập bao gồm việc sửa đổi luật, như: buộc người sử dụng lao động nỗ lực đảm bảo việc làm cho những người ở độ tuổi 70; cung cấp hỗ trợ cho các công ty tuyển dụng người cao tuổi; kéo dài tuổi nghỉ hưu để tăng cơ hội việc làm cho người cao tuổi.
Theo đó, người lao động có thể kéo dài tuổi hưu và nhận lương hưu từ 70 tuổi. Hiện tại, tuổi nghỉ hưu ở một số tập đoàn taxi là 68, một số nơi thậm chí là 75. Tình trạng thiếu hụt tài xế kéo dài trong ngành này thậm chí còn khiến nhiều người không thể nghỉ hưu bình thường dù đã ngoài 65.
- Tài chính bấp bênh khi về già
Dân số già hóa cũng đồng thời gây áp lực lớn lên hệ thống an sinh xã hội, trong đó có quỹ lương hưu.
Theo khảo sát với đối tượng người lao động lớn tuổi của Liên đoàn Công đoàn Nhật Bản, vào năm 2019, 46,2% số người được hỏi đưa ra lý do tiếp tục làm việc là "để duy trì sức khỏe”, 33,9% để “nâng cao chất lượng cuộc sống”, 28,8% cho rằng “vì con người sống để làm việc”. Tuy nhiên, câu trả lời xuất hiện thường xuyên nhất với 77% lựa chọn là "để đảm bảo cuộc sống”.
Nếu như thế hệ người già trước kia từng “không cho phép bản thân nghỉ ngơi”, xuất phát từ tinh thần cống hiến và gắn bó với công ty, thì nay họ phải chọn giữa tiếp tục làm việc để có cuộc sống ổn định hay nghỉ hưu và đối mặt với viễn cảnh đời sống bấp bênh.
- Người già tại Nhật yêu thích làm việc
Dù thực tế, nhiều người Nhật phải làm việc sau tuổi nghỉ hưu xuất phát từ vấn đề tài chính, mưu sinh, nhưng vẫn có một bộ phận không nhỏ thực sự yêu thích công việc và mong muốn được tiếp tục làm việc.
- Không yêu cầu khắt khe trong tuyển dụng
Dù xuất phát từ lý do tài chính hay sở thích, vì sao lại có nhiều người cao tuổi trong ngành taxi hơn các lĩnh vực khác? Nguyên nhân nằm ở quy trình tuyển dụng.
Thông thường, theo hệ thống xếp hạng thâm niên của Nhật Bản, nếu bạn thay đổi công việc từ một ngành khác mà không có kinh nghiệm liên quan, thì ngay cả người lớn tuổi cũng sẽ chỉ nhận được mức lương ít ỏi khi bước chân vào lĩnh vực mới.
Nhưng với tài xế taxi lại khác, ai cũng có thể vượt qua vòng phỏng vấn mà không cần bất kỳ kinh nghiệm đặc biệt nào, miễn là họ nắm vững kỹ năng lái xe, sức khỏe đảm bảo và có bằng lái xe loại 2*. Tiền lương của tài xế taxi dựa trên hệ thống hoa hồng, làm bao nhiêu nhận bấy nhiêu, bất kể ở độ tuổi nào thì điều kiện ban đầu đều như nhau.
- Lương thấp, người trẻ quay lưng
Thống kê cho thấy, thu nhập trung bình hàng năm của một tài xế taxi là khoảng 3,5 triệu yên (khoảng 600 triệu đồng), thấp hơn 40% so với mức trung bình chung của tất cả các ngành là 5,6 triệu yên (khoảng 975 triệu đồng).
Một quan chức cấp cao của một Hiệp hội Taxi cấp tỉnh cho biết: “Chúng tôi muốn thuê những người trẻ tuổi nếu có thể, do lo ngại vấn đề tai nạn do tài xế lớn tuổi gây ra và những công việc nặng nhọc như giúp hành khách lên xuống xe. Nhưng thật khó để những người có con nhỏ nuôi sống gia đình bằng thu nhập của một tài xế.”
Một người đàn ông 71 tuổi đã lái taxi ở Tokyo gần 30 năm cho hay, những tài xế xung quanh đều cùng thế hệ với ông, một số thậm chí đã ngoài 80. Với lượng du khách nước ngoài và hành khách lớn tuổi ngày càng tăng, tài xế phải làm nhiều công việc nặng nhọc như xếp hành lý vào cốp, giúp hành khách lên xuống xe...
“Tôi muốn làm việc lâu dài, nhưng tôi lo lắng liệu mình có thể giữ được sức khỏe tốt hay không,” người này chia sẻ.
- Giải quyết bài toán thiếu hụt lao động
Để cải thiện điều kiện làm việc của tài xế, thu hút nhiều người trẻ tìm đến công việc này, Bộ Đất đai, Cơ sở hạ tầng, Giao thông và Du lịch Nhật Bản đã quyết định cho phép các công ty taxi tăng giá cước ở Tokyo và 24 quận trên toàn quốc kể từ tháng 2/2020, ngoại trừ một số khu vực.
“Taxi sẽ đóng vai trò quan trọng hơn trong tương lai với vai trò là phương tiện di chuyển cho những người cao tuổi tự nguyện từ bỏ giấy phép lái xe, khách du lịch nước ngoài và những đối tượng khác. Vì vậy, chúng tôi muốn tạo ra một môi trường để ngành công nghiệp taxi vẫn có thể duy trì các dịch vụ hiện tại”, một quan chức của Bộ Giao thông vận tải cho biết.
Những địa phương có ít phương tiện giao thông công cộng, chẳng hạn như tàu hay xe buýt, cũng đang tìm cách đảm bảo đủ số lượng tài xế taxi, bởi đây là phương tiện di chuyển quan trọng đối với người dân.
Nhằm tăng số lượng phụ nữ đăng ký trở thành tài xế taxi, chính quyền tỉnh Tottori bắt đầu trợ cấp cho các công ty taxi để xây dựng phòng tắm và phòng thay đồ cho phụ nữ trong năm tài chính 2018. Một số công ty taxi đã thành công trong việc thuê nữ tài xế.
Hay nhiều công ty taxi tại Nhật cũng đang thúc đẩy việc tuyển dụng tài xế taxi ngoại quốc. Hinomaru, một doanh nghiệp cung cấp dịch vụ taxi tại Tokyo và Kanagawa đã bắt đầu làm điều này từ năm 2018. Tính đến tháng 7/2022, có 70 công dân nước ngoài đến từ 26 quốc gia như Trung Quốc, Hàn Quốc, Mông Cổ, Myanmar, Pháp, Kenya và Tanzania là tài xế taxi tại đây.
Nguồn: Kilala